Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến ở nước ta do virus Dengue gây ra. Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết xảy ra quanh năm và thường gây dịch vào các tháng mùa mưa (tháng 4 đến tháng 11 hàng năm). Từ đầu năm 2022 đến hiện tại đã có rất nhiều trường hợp cả người lớn và trẻ em mắc sốt xuất huyết với triệu chứng nặng, thậm chí có tử vong. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng chỉ là sốt do virus thông thường, không theo dõi kịp thời dễ dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng và gây nhiều biến chứng.
Nhắc lại về sốt xuất huyết, do virus Dengue gây ra và có 4 type (Den-1, Den-2, Den-3, Den-4), ở Việt Nam có cả 4 type và không tạo miễn dịch chéo cho nhau, vậy nên một người đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể mắc type huyết thanh khác.
Đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết thông qua muỗi đốt (muỗi vằn), người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ nước bọt muỗi sẽ vào máu người gây bệnh. Đặc biệt muỗi vằn đốt, hút máu người và truyền virus Dengue cả ban ngày lẫn ban đêm, nhất là lúc sáng sớm và chiều tối.
Hằng năm người bệnh chỉ nhập viện điều trị khi có dấu hiệu cảnh báo, tuy nhiên năm 2022 khác với những năm về trước, bệnh sốt xuất huyết Dengue chuyển tiếp từ giai đoạn đầu đến giai đoạn nặng rất nhanh và có thể không phản ứng kịp nếu như người bệnh không được điều trị và theo dõi sát tại cơ sở y tế.
Theo thống kê tính tới thời điểm hiện tại đã có trên 7000 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 10.77% so với cùng kỳ năm trước), trong đó tổng số ca nặng là 158 ca (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ). Theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho tới ngày 27/4 cả nước có 18.599 ca sốt xuất huyết có 11 trường hợp tử vong.
Theo ý kiến của các chuyên gia dịch tễ, cứ 4-5 năm thì sốt xuất huyết Dengue lại bùng lên thành dịch 1 lần. Đợt dịch sốt xuất huyết Dengue lớn nhất tại TP.HCM gần đây là vào năm 2019 và có tới 65.000 ca nhiễm. Theo chu kỳ thì năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại gây thành trận dịch lớn.
Triệu chứng thường gặp của sốt xuất huyết Dengue là sốt, đau đầu, đau hốc mắt và có chấm xuất huyết dưới da, đau bụng, nôn ói,…
Ở lứa tuổi nào cũng vậy, dù người lớn hay trẻ em, sốt xuất huyết đều trải qua 3 giai đoạn:
Đa phần bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có 10% hoặc hơn người bệnh sốt xuất huyết có thể diễn tiến thành thể nặng như:
Điển hình ca lâm sàng tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, bệnh nhân nam H.T.P. sinh năm 1995, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM. Bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue vào ngày thứ 2 của bệnh, tiểu cầu 199.000/mm3 máu (giá trị bình thường từ 150.000 - 400.000 /mm3), bệnh nhân được cho theo dõi tại nhà và tái khám mỗi ngày. Vào ngày 3 của bệnh, tiểu cầu đột giảm thấp chỉ còn 20.000/mm3. Bệnh nhân lập tức được cho nhập viện theo dõi sát. Đến ngày 4 của bệnh, tiểu cầu chỉ còn 5.000 /mm3 và bệnh nhân được truyền tiểu cầu đậm đặc để nâng tiểu cầu lên mức an toàn để tránh biến chứng xuất huyết nặng có thể xảy ra. Nếu bệnh nhân không được theo dõi sát và điều trị kịp thời có thể đe dọa tử vong.
Hiện tại chưa có bất kỳ loại thuốc hay phương pháp đặc trị nào cho bệnh sốt xuất huyết, hầu hết bệnh nhân sẽ tự khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần. Việc điều trị tại nhà hay nhập viện chủ yếu là theo dõi, chăm sóc cũng như hỗ trợ những hoạt động cần thiết. Hầu hết chỉ điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi tại giường, uống nhiều nước.
Điều quan trọng là nhân viên y tế sẽ theo dõi sát và điều trị để tránh những biến chứng nặng xảy ra cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ đánh giá khi nào bệnh nhân cần bù dịch, khi nào cần truyền tiểu cầu và những chuyển biến nặng khác để ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Hiện tại sốt xuất huyết chưa có vaccin phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị cho nên mỗi gia đình, mỗi cơ quan đều cần nâng cao ý thức diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên. Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, nơi sinh sống, không để các vật dụng đọng nước làm phát sinh lăng quăng, úp các xô lọ, chai cũ, thay nước lọ hoa,… Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
Khi người lớn hoặc trẻ em sốt liên tục từ 1-2 ngày, nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và theo dõi sốt xuất huyết Dengue sớm nhất. Trong trường hợp được bác sĩ khám bệnh và cho điều trị tại nhà, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết (nếu có) cũng như các dấu hiệu cảnh báo. Điều đặc biệt lưu ý chỉ dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, tuyệt đối không được dùng Ibuprofen, Aspirin để hạ sốt.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể diễn tiến nặng và gây tử vong. Vì vậy chúng ta cần đề cao vai trò của bản thân trong phòng chống và điều trị sốt xuất huyết Dengue. Khi có dấu hiệu sốt cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, theo dõi và điều trị kịp thời, để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
--------------------